Nền tảng nghiên cứu - Foundations of research

Estimated reading time: 9 minutes


Khoa học (science)

Khoa học là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới… về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới này tốt hơn có thể thay thế dần những cái cũ không còn phù hợp.

Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội.

Nội dung khoa học

  • Hệ thống tri thức của khoa học hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội, bao gồm: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.

  • Tri thức kinh nghiệm: là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.

Quá trình này giúp con người hiểu biết về sự vật, về cách quản lí thiên nhiên và hình thành mối quan hệ giữa những con người trong xã hội.

Tri thức kinh nghiệm được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, tri thức kinh nghiệm chưa thật sự đi sâu vào bản chất, chưa thấy được hết các thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người.

Vì vậy, tri thức kinh nghiệm chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, nhưng tri thức kinh nghiệm là cơ sở cho sự hình thành tri thức khoa học.

  • Tri thức khoa học: là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học, các họat động này có mục tiêu xác định và sử dụng phương pháp khoa học.

Không giống như tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thu thập được qua những thí nghiệm và qua các sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội, trong tự nhiên.

Tri thức khoa học được tổ chức trong khuôn khổ các ngành và bộ môn khoa học như: triết học, sử học, kinh tế học, toán học, sinh học,…

Phân loại khoa học

  • Người đầu tiên đưa ý tưởng phân loại khoa học theo đối tượng nghiên cứu là F.Engels. Sau này, B.Kedrov đã phát triển ýtưởng của F.Engels và trình bày mô hình hệ thống tri thức khoa học bằng một tam giác với ba đỉnh gồm:

(1) Khoa học tự nhiên

(2) Khoa học xã hội

(3) Triết học

  • Để tiện sử dụng, mô hình này đã được tuyến tính hóa theo trình tự sau (UNESCO):

  • Khoa học tự nhiên và khoa học trừu tượng (hoặc khoa học chính xác).

  • Khoa học kĩ thuật và công nghệ, ví dụ: kĩ thuật điện tử, kĩ thuật di truyền.

  • Khoa học nông nghiệp: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

  • Khoa học sức khỏe, ví dụ: dịch tễ học, bệnh học.

  • Khoa học xã hội và nhân văn, ví dụ: sử học, ngôn ngữ học.

  • Triết học, bao gồm cả các khoa học về tư duy như logic học.

Nghiên cứu khoa học (Scientific research)

Nghiên cứu khoa học là một họat động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn.

  • Thực tế cho thấy, sinh viên khi bắt đầu làm luận văn tốt nghiệp và ngay cả những người mới ra trường làm việc trong các cơ quan nghiên cứu đòi hỏi phải có kiến thức và có phương pháp NCKH. Vì vậy, môn học phương pháp NCKH học là nền tảng để trang bị cho các sinh viên tiếp cận NCKH.

  • Theo Babbie (1986)1, nghiên cứu khoa học là cách con người tìm hiểu các hiện tượng khoa học một cách có hệ thống, là quá trình áp dụng các ý tưởng, nguyên lí và phương pháp khoa học để tìm ra các kiến thức mới nhằm giải thích hay dự báo các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan.

  • Theo Kothari (2004)2, nghiên cứu khoa học là quá trình thu thập, phân tích dữ liệu một cách có hệ thống nhằm khám phá các vấn đề liên quan.

Đặc điểm nghiên cứu khoa học

  • Nghiên cứu khoa học dựa trên công trình nghiên cứu của người khác.

  • Nghiên cứu trước dẫn dắt những nghiên cứu mới.

  • Nghiên cứu không phải là sao chép nghiên cứu của người khác.

  • Nghiên cứu khoa học có thể được lặp lại.

  • Khả năng lặp lại là tín hiệu của nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.

  • Sự lặp lại chỉ dẫn những nghiên cứu trong tương lai.

  • Nghiên cứu khoa học có thể khái quát hóa. Nói cách khác, nghiên cứu có thể suy rộng ra tổng thể.

  • Nghiên cứu khoa học không nên được thực hiện độc lập với lí thuyết.

  • Nghiên cứu dựa trên những lí do hợp lí.

  • Nghiên cứu phải gắn với lí thuyết.

  • Nghiên cứu khoa học là quá trình liên tục.

  • Nghiên cứu tạo ra những câu hỏi nghiên cứu mới.

  • Nghiên cứu là sự hoàn thiện không ngừng.

  • Nghiên cứu khoa học là phi chính trị, nghiên cứu nên xem sự cải thiện xã hội là mục tiêu cuối cùng.

  • Nghiên cứu khoa học phải đảm bảo:

  • Tính mới

  • Tính tin cậy

  • Tính khách quan

  • Tính rủi ro

  • Tính kế thừa

  • Tính cá nhân

Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

  • Đối tượng nghiên cứu: là bản chất của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.

  • Phạm vi nghiên cứu: đối tượng nghiên cứu được khảo sát trong trong phạm vi nhất định về mặt thời gian, không gian và lãnh vực nghiên cứu.

Mục đích và mục tiêu nghiên cứu

Khi viết đề cương nghiên cứu, một điều rất quan trọng là làm sao thể hiện được mục tiêu và mục đích nghiên cứu mà không có sự trùng lấp lẫn nhau. Vì vậy, cần thiết để phân biệt sự khác nhau giữa mục đích và mục tiêu.

  • Mục đích là hướng đến một điều gì hay một công việc nào đó trong nghiên cứu mà người nghiên cứu mong muốn để hoàn thành, nhưng thường thì mục đích khó có thể đo lường hay định lượng.

Nói cách khác, mục đích trả lời câu hỏi “nhằm vào việc gì?”, hoặc “để phục vụ cho điều gì?” và mang ý nghĩa thực tiển của nghiên cứu, nhắm đến đối tượng nghiên cứu.

  • Mục tiêu là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng mà người nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể đo lường hay định lượng được.

Nói cách khác, mục tiêu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”

==

Trang blog “sổ tay nghiên cứu dành cho người bắt đầu” được biên soạn với nhiều nội dung cung cấp những thông tin, những kiến thức cơ bản, các bước trong NCKH, những kỹ thuật cần thiết để tiếp cận phương pháp thí nghiệm và cách trình bày các kết quả NCKH. Hy vọng rằng sẽ mang lại những kiến thức bổ ích và những thông tin thiết thực cho sinh viên và những người bắt đầu làm công tác NCKH.

  • Điều đầu tiên phải đề cập đến là ngôn ngữ nghiên cứu. Nếu không, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi thảo luận về nghiên cứu.

  • Với những thuật ngữ cơ bản dưới đây, chúng ta có thể xem xét sâu hơn một chút về một số vấn đề triết học cơ bản thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng nghiên cứu xã hội luôn luôn xảy ra trong bối cảnh xã hội. Đó là một nỗ lực của con người. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem xét các vấn đề đạo đức ảnh hưởng đến nhà nghiên cứu, người tham gia nghiên cứu và nỗ lực nghiên cứu nói chung.

  • Câu hỏi được đặt ra là Vấn đề nghiên cứu bắt nguồn từ đâu? Làm thế nào để phát triển một câu hỏi nghiên cứu?

Đừng lo lắng tôi sẽ giúp bạn bắt đầu.

  1. Babbie, E. R. (1986). The practice of social research. Belmont, Calif: Wadsworth Pub. Co. 

  2. Kothari, C.R. (2004). Research Methodology: Methods and Techniques. 2nd Edition, New Age International Publishers, New Delhi. 

science