Suy luận suy diễn

Estimated reading time: 6 minutes


phương pháp suy luận diễn dịch

Sự ra đời và phát triển của suy luận logic

  • Aristotle (384-322 TCN) nhà triết học Hi Lạp cổ đại được coi là người sáng lập ra logic học. Ông là người đầu tiên nghiên cứu tỉ mỉ khái niệm, phán đoán, lý thuyết suy luận, chứng minh và nêu lên các qui luật cơ bản của tư duy. Mục đích của Aristotle xây dựng tam đoạn luận là nhằm tạo ra phương pháp chứng minh (luận chứng) tri thức khoa học.

  • Ngoài ra, Nghiệm (2008) đề cập trong sách Nhập môn logic học rằng suy luận có một vai trò vô cùng to lớn trong nhận thức và trong đời sống. Trong cả hai lĩnh vực này con người chỉ có được một cách trực tiếp (nhờ quan sát, làm thí nghiệm, trải nghiệm,… ) một lượng nhỏ thông tin mà thôi. Lượng thông tin đó hoàn toàn không đủ cho hoạt động của con người. Để có thể hoạt động hiệu quả, con người phải rút ra nhiều thông tin khác từ các thông tin đã có, tức là phải suy luận.1

Cấu trúc suy luận

  • Suy luận gồm có hai thành phần là tiền đề và kết luận. Tiền đề là những tri thức đã biết, hoặc được thừa nhận, làm cơ sở cho suy luận, còn kết luận là tri thức được rút ra.

  • Trong suy luận thường có các từ chỉ thị tiền đề (vì, bởi, do, ….), cho biết phần nào đó của nó là phần tiền đề; hoặc là từ chỉ thị kết luận (do đó, vậy, bởi vậy, vì vậy, từ đó, suy ra, …), cho biết phần nhất định nào đó của suy luận là kết luận.

Suy luận đúng logic

Lưu ý

Không phải suy luận nào cũng được chấp nhận.

Suy luận hợp logic, tức là suy luận tuân thủ các quy tắc logic, chính là loại suy luận trong đó các tiền đề tạo thành cơ sở đầy đủ cho kết luận.

Ví dụ:

Mọi loài chim đều biết bay,

Đà điểu là loài chim,

Vậy đà điểu biết bay.

Kết luận: Tiền đề đầu tiên sai, kết luận cũng sai, nhưng vì tuân thủ tất cả các quy tắc logic nên nó là suy luận hợp logic.


Ngược lại, dù suy luận có tất cả các tiền đề và kết luận đều đúng, nhưng vi phạm các quy tắc logic thì suy luận đó không hợp logic.

Ví dụ:

Trong thời đại toàn cầu hóa, các nước đang phát triển cần phải tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương để bảo vệ quyền lợi của mình,

Việt Nam đang tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương,

Như vậy Việt Nam là một nước đang phát triển.

Kết luận: Tiền đề và kết luận đều đúng, nhưng không thỏa mãn các quy tắc logic, nên là suy luận không hợp logic.


Những suy luận không hợp logic là những suy luận mà tiền đề hoặc không liên quan đến kết luận (xét về mặt logic) hoặc có liên quan đến, nhưng chưa đủ cơ sở để rút ra kết luận; hoặc là tổng hợp của cả hai trường hợp đó.

Ví dụ:

Mọi sự vật và hiện tượng xảy ra và tồn tại trong thế giới của chúng ta đều tuân theo những quy luật nhất định và tạo nên một sự hài hòa tuyệt diệu. Như vậy chắc chắn có Chúa Trời.

Kết luận: Tiền đề đúng, tuy nhiên tiền đó chưa phải là cơ sở đầy đủ để có thể rút ra được kết luận. Vì thế đây là suy luận không hợp logic


Cách suy luận suy diễn

Theo Aristotle2, kiến thức đạt được nhờ sự suy luận. Muốn suy luận phải có tiền đề và tiền đề đó đã được chấp nhận. Vì vậy, một tiền đề có mối quan hệ với kết luận rất rõ ràng.

  • Phương pháp diễn dịch đi từ cái tổng quát đến cái cụ thể. Từ một lý thuyết, người nghiên cứu có thể suy ra được một cách logic những sự kiện đang diễn ra xung quanh.

  • Phương pháp diễn dịch là một hình thức tranh luận mà mục đích của nó là đi đến kết luận – kết luận nhất thiết phải là hệ quả của các lý do cho trước. Các lý do này dẫn đến kết luận và thể hiện qua các minh chứng cụ thể.

Ví dụ:

Tiền đề chính: Tất cả sinh viên đi học đều đặn
Tiền đề phụ: Lan là sinh viên
Kết luận: Lan đi học đều đặn

Để một suy luận mang tính diễn dịch là đúng, nó phải thỏa mãn hai điều kiện là đúnghợp lệ:

Tiền đề (lý do) cho trước đối với một kết luận phải đúng với thế giới thực (đúng).
Kết luận nhất thiết phải đi theo tiền đề (hợp lệ).

Trong một bài nghiên cứu, phương pháp diễn dịch được thể hiện qua ba bước:

  • Bước 1: Phát biểu một giả thuyết (dựa trên lý thuyết hay tổng quan nghiên cứu).

  • Bước 2: Thu thập dữ liệu để kiểm định giả thuyết.

  • Bước 3: Ra quyết định chấp nhận hay bác bỏ giả thuyết đó.


  1. Nghiem, P. Đ (2008). Nhập môn Logic học (pp. 86-91). HCM:ĐH Quốc Gia 

  2. Groarke, L. F. Aristotle: Logic. https://iep.utm.edu/aris-log/. 

deductive reasoning, diễn dịch, suy diễn