Quy trình nghiên cứu

Estimated reading time: 5 minutes


Bước 1: Xác định đề tài nghiên cứu

  • Để bắt đầu cho một nghiên cứu, bước đầu tiên cần làm là lựa chọn được đề tài nghiên cứu. Có thể bạn đang đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện điều đó?”. Tôi không biết chọn đề tài nào?

Sinh viên có 2 cách để lựa chọn đề tài:

  1. Tự lựa chọn đề tài nghiên cứu.
  2. Gợi ý lựa chọn đề tài từ giảng viên hướng dẫn.
  • Tuy nhiên, để chủ động và nhận được sự đánh giá cao từ giảng viên, sinh viên nên cố gắng tìm đề tài chứ không nên chờ đợi quá nhiều giảng viên hướng dẫn. Hãy lựa chọn lĩnh vực/mảng vấn đề bạn quan tâm.

Bước 2: Xác định câu hỏi, giả thuyết và phương pháp nghiên cứu

  • Bạn cần lưu ý để “chốt” được đề tài nghiên cứu trước, bạn đã phải đọc và nghiên cứu tương đối “đủ” một lượng tài liệu có liên quan đến chủ đề đó. Điều này đồng nghĩa khi đó bạn đã hình dung tương đối rõ ràng về đề tài của mình,

Thể hiện bằng việc xác định 3 yếu tố:

Câu hỏi nghiên cứu là gì?
Giả thuyết nghiên cứu là gì?
Phương pháp nghiên cứu sử dụng là phương pháp nào?

  • Việc đặt ra câu hỏi nghiên cứu đúng và hay là rất quan trọng. Câu hỏi nghiên cứu chính là vấn đề mà người nghiên cứu muốn “khám phá” khi thực hiện nghiên cứu của mình. Trong khi đó, phần luôn đi cùng câu hỏi nghiên cứu chính là những giả thuyết; các câu trả lời phỏng đoán. Cần lưu ý rằng những giả thuyết này được đặt ra dựa trên kết quả của những nghiên cứu trước đó hoặc quan điểm của tác giả, với một số lượng giới hạn và chưa biết là đúng hay sai. Dựa vào những phỏng đoán này, người nghiên cứu sẽ có hướng tìm kiếm để kiểm chứng và đưa ra kết luận trong bước cuối cùng.

  • Trong bước này, PPNC cũng cần được người nghiên cứu làm rõ, bởi tùy thuộc vào câu hỏi nghiên cứu và những điều kiện khách quan thì phương pháp nghiên cứu sử dụng sẽ khác nhau.

Bước 3: Xây dựng đề cương và lập kế hoạch nghiên cứu

  • Người nghiên cứu sẽ viết bản đề cương nghiên cứu nhằm phác thảo các nội dung chính có trong nghiên cứu của mình. Đây sẽ là văn bản mà người nghiên cứu gửi cho giảng viên nhận xét và góp ý, nhằm giúp nhóm có một khung nội dung hoàn chỉnh nhất trước khi bắt tay thực hiện tiếp (đối với người học). Bên cạnh đó, một kế hoạch nghiên cứu gắn các tiến trình thực hiện với mốc thời gian cụ thể cũng sẽ được lập ra để giúp người nghiên cứu dự kiến tiến độ thực hiện theo thời gian yêu cầu.

  • Cần lưu ý rằng trong thời gian thực hiện các bước này, hoạt động đọc các tài liệu vẫn nên tiếp tục thực hiện để tác giả tiếp tục đào sâu và có thêm những kiến thức, phát hiện mới liên quan đến đề tài nghiên cứu. Điều này sẽ rất hữu ích khi nhóm tiến hành viết cơ sở lí luận cũng như thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 4: Thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu

  • Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động nghiên cứu chính là thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu. Cần chú ý, dù bước này được thực hiện sau các bước trên, tuy nhiên người nghiên cứu cần xác định trước các vấn đề liên quan đến bước này ngay từ đầu để thẩm định xem có khả thi để thực hiện hay không.

Bước 5: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu

  • Đây chính là bước cuối cùng để hoàn thành một nghiên cứu mà người nghiên cứu cần “cân não” rất nhiều. Ngay từ tên gọi, hoạt động này thiên về “tư duy” và diễn dịch ở dạng viết để người đọc có thể hiểu và đánh giá cao chất lượng của công trình. Người nghiên cứu cần tiến hành viết tất cả các nội dung tương ứng với đề cương nghiên cứu (bản đề cương cuối cùng) với hàm lượng nội dung phù hợp với một nghiên cứu hoàn chỉnh.

  • Trong bước này, tác giả cần chú ý hai yếu tố là nội dung và văn phong, bởi đây là hai yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá của người đọc/người phản biện đối với công trình nghiên cứu. Tất nhiên bước này nên được thực hiện càng sớm càng tốt theo như kế hoạch để tác giả có thời gian xin ý kiến từ giảng viên hướng dẫn hoặc những người có chuyên môn để chỉnh sửa một cách tốt nhất.

các bước nghiên cứu